Văn – 04/202112: cai – 2

Trong một nghiên cứu của Pew Research Center tại Mỹ, người ta ước tính khoảng thời gian trung bình một người Mỹ tiêu tốn vào tin tức mỗi ngày từ 58 – 96 phút; học vấn càng cao, thời gian xem tin càng nhiều; trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta dành từ 4-5.1 giờ cho điện thoại thông minh, 1/6 thời gian trong ngày cho mạng xã hội và 2 giờ đọc tin tức và lướt web.

Nghe có vẻ cũng không đáng lắm vì chúng ta có những 24 giờ mỗi ngày; nhưng, hãy tính chi li, với 1.5 giờ mỗi ngày, khi cộng dồn, ta sẽ mất 1 ngày cho 1 tuần, khoảng 1 tháng cho 1 năm – 1 năm sẽ chỉ còn lại có 11 tháng mà thôi. Tại sao phải khổ vậy…

Thế giới là một mớ hỗn độn phức tạp, biến đổi khôn lường. Nguyên nhân và kết quả không nhất thiết phải có quan hệ tuyến tính với nhau. Người ta hay mắc một sai lầm chung khi nhầm lẫn giữa chuỗi thông tin đặt cạnh nhau với sự thông hiểu về một mối tương liên xã hội nói riêng hay trong thế giới loài người nói chung.

sự thật, sự thật và nhiều sự thật hơn nữa” – một thứ khẩu hiệu đầy phô trương dởm rít… chúng tạo ra “độc dược” cho cơ thể loài người chúng ta – loài được thiên phú vô cùng mẫn cảm và phản ứng mau mắn trước hoàn cảnh và thông tin tiêu cực; có lẽ do trời sinh cơ thể loài người yếu ớt so với những loài động vật khác chăng…

Trước những tác động tiêu cực, chúng ta phải đối mặt với hành vi bẩm sinh được môn tâm lý học định nghĩa một cách mỹ miều là thiên kiến tiêu cực (negative bias); ví như việc chúng ta sẽ buồn gấp đôi khi mất 100 nghìn so với khi được 100 nghìn. Hành vi này chính là điểm thao túng của tin tức – những câu chuyện giật gân được “đo ni đóng giày” cho bộ não đầy lo âu phiền muộn của chúng ta. Những lo lắng từ tin tức “thế giới” cùng với thói quen “lướt” tin liên tục thường xuyên có thể tạo ra những cơn căng thẳng cấp tính, rối loạn giấc ngủ, tâm trạng thất thường, mất khống chế hành vi hay thậm chí chứng PTSD.

Tin tức, một trong những động cơ góp phần tạo ra “cha đẻ của mọi lỗi tư duy” – thiên kiến xác nhận (confirmation bias). Chúng ta luôn có xu hướng tự động lờ đi các dấu hiệu trái ngược với quan điểm ưa thích hay niềm tin bản thân và ngược lại, dễ dàng tiếp nhận những thông tin khẳng định thêm cho những niềm tin của chính mình.

Hãy nhìn lại những drama trên thế giới ảo – không gian mạng xã hội gần đây, như: của Ceo Phương Hằng, của công tác từ thiện xã hội, của giới showbiz – chưa nói tới các  vấn đề về văn hóa và ngôn ngữ thì đây đã là vấn đề đầy nguy hại cho xã hội. Vẫn biết rằng, chúng ta đều là những chuyên gia bẩm sinh trong việc diễn giải thông tin sao cho lập trường trước nay không bị ảnh hưởng hay thay đổi; càng đọc tin [tức] nhiều, chúng ta dường như lại càng bắt gặp nhiều thông tin khẳng định thêm chúng ta đang đúng, cho dù có lẽ quan điểm của chúng ta đang sai đi chăng nữa.

Vậy nên, có thể thấy rằng, tin tức đã không còn mang đúng ý nghĩa và chức năng như theo tinh thần của quyển sách giáo khoa kinh điển viết bởi John Hohenberg: “ký giả chuyên nghiệp” – ngòi bút thép đập tan những ý kiến/định kiến sai lầm; thay vào đó còn bồi đắp thêm và coi đó là mảnh đất đầy màu mỡ. Ngày nay, mảnh đất màu mỡ chứa đựng thông tin nguy hại nhất chính là tại các mạng xã hội, nơi “thiên kiến xác nhận” hoạt động như một bộ lọc được tích hợp trong công nghệ AI nhận diện “ve vuốt” những gì người ta thích nghe, thích xem. Đơn cử, Facebook, chúng ta sẽ gần như vô vọng tìm kiếm những ý kiến trái chiều, cho dù đâu đó, chúng vẫn tồn tại trong “danh sách bạn bè” của chúng ta…

Vấn đề nằm ở chỗ, vào những thời điểm đó, giữa hỗn độn tin tức, ngay giữa tâm bão, mọi thứ đều mờ mịt… dù tin tức ở dạng thức nào, nó luôn được trình bày dưới hình thức của một câu chuyện cùng một vài nguyên nhân được viện dẫn trong mỗi quan hệ của hàng nghìn các nguyên nhân khác; bởi vậy, người “tiêu thụ” tin tức luôn rơi vào ảo giác thế giới đơn giản và trong sáng dễ hiểu hơn thực tế…

Có khi nào chúng ta cần phải tự hỏi xem liệu chúng ta sẽ cần phải đối mặt với những sự thật nào để điều chỉnh thế giới quan của bản thân mình…

Cai, cần phải cai ngay…

___

NPL

870 từ

Leave a comment